Sáng tỏ nhiều vấn đề trong thi hành án dân sự
Ngày 10-11, Thường trực HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM và Cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 11-2024 với chủ đề “Thi hành án dân sự – Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”.Phát huy vai trò của thừa phát lạiBà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ trong THADS. Bà Hạnh lấy ví dụ năm 2022, 4 cơ quan gồm Sở Tư pháp, TAND TP HCM, VKSND TP HCM và Cục THADS thành phố ký quy chế phối hợp để tăng cường quản lý và giám sát tài sản.
Đến năm 2023, thêm Hội Thừa phát lại thành phố tham gia ký kết quy chế phối hợp. Từ đó, hiệu quả quản lý và giải quyết các vụ việc phức tạp được nâng cao. Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế – HĐND TP HCM, nhận định công tác THADS trên địa bàn đã đạt những kết quả tích cực nhưng cũng còn một số vấn đề cần khắc phục.
Về hoạt động của các văn phòng thừa phát lại, theo Nghị định 08/2000, các văn phòng thừa phát lại được phép xác minh điều kiện thi hành án và thi hành bản án, quyết định từ yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, quy định hiện nay vẫn hạn chế quyền hạn, không cho phép thừa phát lại áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cưỡng chế thi hành án. Ngoài ra, khi vụ việc đưa qua tòa án và thi hành án thì đương sự rất thiếu yếu tố tự nguyện.
Trong khi đó, văn phòng thừa phát lại thì thiếu công cụ về mặt pháp lý để tổ chức thi hành án, dẫn đến số vụ thi hành án do các văn phòng thừa phát lại thực hiện những năm qua gần như không có.Theo bà Hạnh, Bộ Tư pháp đã nhận thấy những vướng mắc trên và đang lấy ý kiến để xem xét sửa đổi, bổ sung, giúp thừa phát lại hoạt động hiệu quả và đáp ứng thực tiễn hơn.Trắc trở về thông tinÔng Nguyễn Thanh Hà, đại diện Cục THADS TP HCM, cho biết một số bản án vì tuyên không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong thi hành án.
Cơ quan thi hành án phải yêu cầu tòa án giải thích nhưng thường gặp phải sự chậm trễ trong phản hồi, kéo dài thời gian thi hành án.Ông Hà nêu tình huống đương sự tự thỏa thuận và giải quyết tài sản mà không cần sự can thiệp của cơ quan thi hành án, dẫn đến thi hành không đúng bản án. Để khắc phục, lãnh đạo Cục THADS thành phố đã chỉ đạo chấp hành viên chủ động làm việc trực tiếp với thẩm phán nhằm sớm nhận được giải thích rõ ràng, đồng thời tổ chức họp liên ngành định kỳ tìm cách tháo gỡ.
Đại diện Cục THADS TP HCM đề xuất lãnh đạo TAND thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát và yêu cầu thẩm phán sớm có văn bản giải thích. Nếu thẩm phán chậm trả lời mà không có lý do chính đáng, nên xem xét việc đánh giá xếp loại thi đua. Một đề xuất nữa là tổng hợp các bản án tuyên không rõ để rút kinh nghiệm chung cho các thẩm phán.
Trong phản hồi, ông Ngô Thanh Nhàn, Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP HCM, cho biết theo điều 486 Bộ Luật Tố tụng dân sự, khi bản án dân sự không rõ ràng, cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu tòa án giải thích hoặc sửa chữa. Thẩm phán hoặc chủ tọa có trách nhiệm giải thích, nếu họ không còn công tác thì Chánh án TAND sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Tòa án phải giải thích trong 15 ngày, có thể kéo dài thêm 30 ngày nếu vụ án phức tạp.
Về phần kiến nghị của Cơ quan THADS TP HCM, ông Nhàn đề nghị đơn vị này có văn bản gửi chính thức để có cơ sở phối hợp thực hiện.Linh hoạt giải phápTại chương trình, một trong nhiều vấn đề cử tri quan tâm là tình trạng tài sản bán đấu giá không có người mua.Trả lời cử tri về chuyện này tại địa phương, đại diện Chi cục THADS TP Thủ Đức cho rằng tình hình kinh tế sau đại dịch COVID-19 vẫn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và tâm lý e dè của người dân khi tham gia đấu giá.
Giải pháp của chi cục là tiếp tục vận động, thuyết phục người dân tự nguyện giao tài sản, nếu cần thì sẽ phối hợp cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành án. Chi cục cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về đấu giá tài sản và các quy định liên quan để thu hút người tham gia.Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, một giải pháp có thể áp dụng đối với các vụ việc bán đấu giá không có người mua là thuyết phục người được thi hành án nhận tài sản.
Nếu họ đồng ý thì thủ tục sẽ đơn giản hơn.Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thông tin trong năm 2023, Thủ Đức thực hiện hơn 12.000 vụ thi hành án, là đơn vị xử lý vụ việc lớn nhất cả nước.
“Điều quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Nếu sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện tốt, công tác THADS sẽ ngày càng hiệu quả” – ông Kỳ tin tưởng. Giảm thiểu lãng phíVề tình hình kho vật chứng, ông Nguyễn Thanh Hà thông tin toàn thành phố có 12/23 đơn vị có kho vật chứng.
Một số đơn vị phải thuê kho ngoài để bảo quản tài sản. Những vấn đề khó khăn khác bao gồm xử lý tài sản đặc thù như ma túy hoặc tài sản là hàng hóa tươi sống…Để giải quyết, ông Hà đề xuất xây dựng cụm kho vật chứng chung. Các đơn vị thuộc UBND quận, huyện gồm công an, tòa án, quản lý thị trường có chung một kho vật chứng.
Ông Hà hy vọng Nghị định 142/2024 về quản lý kho vật chứng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong việc bảo quản và quản lý kho vật chứng. Giải pháp lâu dài là kết hợp xây dựng cụm kho và thuê kho chuyên dụng để bảo quản tài sản, đồng thời thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu lãng phí.