Thu hồi tài sản tham nhũng ở TP HCM đạt những bước tiến quan trọng
Ngày 11-10, Ban Nội chính Thành ủy – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM – phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM”.Phát biểu tại toạ đàm, ông Ngô Minh Châu – Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hồi tài sản trong công tác chống tham nhũng và tiêu cực. Điều này không chỉ ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước mà còn củng cố niềm tin của người dân vào Đảng.
Ông Châu cho biết sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM được thành lập năm 2022, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại TP HCM đã có những bước tiến quan trọng. Điển hình như vụ án xảy ra tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án Vạn Thịnh Phát…Ông Châu nhấn mạnh, trong một số vụ án lớn, nhiều bị can đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả ngay trước và trong quá trình xét xử, thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và những biện pháp truy vết tài sản chặt chẽ, kịp thời.Tuy nhiên, ông Châu cũng thừa nhận việc thu hồi còn đối mặt nhiều thách thức.
Tọa đàm lần này nhằm thảo luận các giải pháp thiết thực như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, sửa đổi các quy định pháp luật, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản.Phát biểu tại toà đàm, ông Nguyễn Văn Hoà, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM, thông tin mặc dù số lượng án hình sự liên quan đến tham nhũng và kinh tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ thi hành án dân sự (khoảng 0,3%) nhưng số tiền phải thu hồi từ các vụ này lại rất lớn (hơn 60% tổng số tiền). Tuy kết quả thu hồi tài sản đã có những chuyển biến tích cực, một số vụ như “Vi phạm quy định về đấu thầu” tại Bệnh viện Mắt TP HCM hay vụ VN Pharma đã thu hồi 100%, nhưng nhìn chung việc thu hồi tài sản vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu.
Các vụ án tham nhũng và kinh tế thường xảy ra trong thời gian dài trước khi bị phát hiện, dẫn đến việc đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản hoặc sử dụng tài sản cho các giao dịch khác. Ví dụ, vụ Huỳnh Thị Huyền Như có tỉ lệ thu hồi rất thấp, chỉ đạt 3,29% do đối tượng không còn tài sản để thi hành án. Ngoài ra, nhiều đối tượng phải thi hành án đang chịu hình phạt tù và không có đủ tài sản như vụ án liên quan bị cáo Hứa Thị Phấn, bị cáo Trần Phương Bình.
Việc xử lý tài sản kê biên cũng gặp khó khăn do các vấn đề pháp lý, như việc chưa xác định rõ vị trí tài sản hoặc chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý (vụ Hứa Thị Phấn). Thêm vào đó, tình trạng tranh chấp tài sản chung và tình trạng pháp lý của tài sản cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án (vụ liên quan các bị cáo Trần Phương Bình và Huỳnh Công Thiện).Ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP HCM, cho biết thời gian qua, công tác thanh tra đã có những bước tiến quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra TP HCM tiến hành 828 cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như tài chính công, đất đai và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm và thu hồi tài sản lớn. Cụ thể, trong năm 2022, số tiền thu hồi đạt 37,21 tỉ đồng trên tổng số 42,38 tỉ đồng phải thu, đạt tỉ lệ 87,78%, cùng với 183m² đất.
Năm 2023, cơ quan tiếp tục thu hồi 20,41 tỉ đồng trên tổng số 25,94 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 78,66%, cùng với 183m² đất. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, kết quả thu hồi đạt 100% với 28 tỉ đồng, đồng thời xử lý được 26.684m² đất trên tổng số 29.
345,8m² đất phải xử lý, đạt tỉ lệ 90,9%.Ông Bảy cũng nhấn mạnh trong quá trình thanh tra, khi phát hiện sai phạm, cơ quan đã kịp thời thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép và chuyển cơ quan điều tra khi cần. Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản còn gặp khó khăn do thiếu quy định cụ thể và các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình né tránh.
Ông Bảy đề xuất tiếp tục triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hồi tài sản thất thoát, đặc biệt là theo Chỉ thị số 04-CT/TW và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Ông nhấn mạnh rằng giám sát từ báo chí và nhân dân sẽ nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.Cần quy định rõ ràng về biện pháp cưỡng chế và chế tài xử lý đối với các đối tượng né tránh trách nhiệm, đồng thời bổ sung quy định về thẩm quyền và thủ tục thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn thanh tra.
Ngoài ra, việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán và tố tụng là cần thiết để thống nhất số liệu và nâng cao hiệu quả thu hồi. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản và thu nhập cũng sẽ giúp quản lý chặt chẽ và phòng ngừa tham nhũng.